Ngự giá thiên đô

Tác giả: Hoàng Quang Thuận

Thân chinh ngự giá chiếu dời đô (1)

Sào Khê bến nước dựng cơ đồ

Quân vương nhìn lại quân thành cũ

Sương khói chiều thu bóng núi mờ.

Đại La đắc địa nhất thiên thời (2)

Hội tụ bốn phương thế hổ ngồi

Rồng cuộn mây trời phun khí vượng

Mây hiện sắc hồng đất tốt tươi.

Sắc chỉ Lý triều chiếu dời đô

Ngàn năm linh khí đến bây giờ

La Thành ngũ sắc mây vàng kết

Vững chắc kinh thành định đế đô.

Tô Giang Nhị Thủy dưới chân thành (3)

Rồng vàng bay vút giữa trời xanh

Thăng Long rực rỡ ngàn năm tuổi

Hào khí Tây Hồ nước long lanh.

Ngự giá thiên đô

Ngự giá thiên đô

1. Vua Lý Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế đầu tháng 11 năm 1009. Đến tháng 8 âm lịch
mùa Thu năm 1010, ông cùng triều đình dời đô ra Đại La. Như vậy, ông ở kinh
đô Hoa Lư được 10 tháng. Lý Thái Tổ ở ngôi được 19 năm (1009 – 1028), băng
hà ngày 2 – 3 – 1028.

2. Lý Thái Tổ với tầm nhìn của một quân vương sáng suốt, thấy rằng Hoa Lư là một
quân thành phòng thủ rất tốt nhưng muốn phát triển đất nước phải ra Đại La, nơi
có thế địa lý cực thịnh vượng, mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Đại Cồ Việt
và con cháu mai sau.

3. Tô Giang là sông Tô Lịch. Nhị Thủy là Nhị Hà (sông Hồng ngày nay).

Hoa Lư thi tập
Tập thơ
Hoa Lư thi tập - tập thơ vịnh cảnh cố đô Hoa Lư, ra đời năm 2010. Tác phẩm được đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới tháng từ tháng 5/2010 cho đến nay. Hoa Lư thi tập lấy cảm hứng từ một chuyến hành hương của tác giả tới cố đô Hoa Lư, nơi hơn 1.000 năm trước Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, định đô và xây dựng vương triều phong kiến nhà Đinh. Hoa Lư gắn với chiến tích Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, Lê Hoàn phá Tống, bình Chiêm, giữ gìn nền độc lập đất nước... Tác phẩm văn học nghệ thuật này gồm 121 bài thơ, có thể giúp người đọc hiểu thêm về nền văn hóa truyền thống của Việt Nam qua các triều đại: nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý, mô tả các địa danh hang động kì ảo, các thung lũng thần tiên nơi địa linh nhân kiệt, nơi ghi lại những trang sử của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, thời kỳ phá Tống, bình Chiêm của nhân dân Đại Cồ Việt. Hoa Lư thi tập do GS.TS Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) sáng tác trưng bày tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã được đưa vào danh mục các di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là tác phẩm được họa sĩ Trần Quốc Ẩn (Nha Trang) trình bày công phu bằng hình thức thư pháp chữ quốc ngữ, kèm theo 120 hình chụp giàu biểu cảm của nhiếp ảnh gia Phạm Tú (Hà Nội).