Sử thi “Hoa Lư thi tập” được trao kỷ lục độc bản thế giới: Khích lệ những sáng tạo mang giá trị lịch sử
06/05/2016 | 11 Phản hồi

Lần đầu tiên, một tác phẩm thơ được “chế tác” thành cuốn độc bản với sự kỳ công và độc đáo về hình thức thể hiện. Với ý nghĩa đó, cuốn sử thi “Hoa Lư thi tập” của GS.VS Hoàng Quang Thuận đã được tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới xác lập giá trị độc bản và trao bằng kỷ lục thế giới.

GS.VS Hoàng Quang Thuận. Ảnh: Đình Việt

GS.VS Hoàng Quang Thuận. Ảnh: Đình Việt

Mong mỗi người đều có một “bãi cọc Bạch Đằng”

Sáng 5/5, tại Di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) đã trao bằng kỷ lục độc bản thế giới cho cuốn “Hoa Lư thi tập” của GS.VS Hoàng Quang Thuận (Viện Công nghệ viễn thông, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ghi nhận đóng góp độc đáo của GS.VS Hoàng Quang Thuận, đồng thời cho rằng, sự ghi nhận của Liên minh Kỷ lục Thế giới sẽ góp phần khích lệ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho ra đời nhiều hơn nữa các đề tài và công trình có giá trị lịch sử trong tương lai.

Trước đó, năm 2010, vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tác phẩm này cũng đã được trao kỷ lục độc bản của Việt Nam. Ngay sau đó, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã trao tặng ấn phẩm đặc biệt này cho UBND TP Hà Nội. Tác phẩm độc đáo này đã được đặt ở vị trí trang trọng trong khu Hoàng thành Thăng Long cho nhân dân cả nước thưởng lãm.

Niềm vui như nhân lên gấp bội khi tháng 3/2016, cuốn sách một lần nữa được Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới xác lập và quyết định trao bằng kỷ lục độc bản. Điều này đồng nghĩa với việc, những bài thơ được viết bằng sự rung cảm với lịch sử hào hùng của dân tộc sẽ đến gần hơn với độc giả ngoài nước (đã có 2.500 cuốn “Hoa Lư thi tập” được in với ba ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp để giới thiệu rộng rãi ra độc giả thế giới).

Sử thi “Hoa Lư thi tập” độc đáo bởi được “chế tác” thành một tác phẩm được đánh giá là “độc nhất vô nhị”. Sau khi hoàn thành tác phẩm ở dạng thông thường, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã được họa sĩ Trần Quốc Ẩn và nhiếp ảnh gia Phạm Tú chăm chút thành cuốn sách với kích thước 109cmx70cmx10cm, nặng 54kg. Bìa sách được làm bằng gỗ đỏ quý hiếm, chạm khắc hình rồng. Kỳ công hơn, các bài thơ đều được thể hiện bằng chữ thư pháp viết tay trên chất liệu giấy giả da. Ngoài giá trị độc đáo, chất liệu này còn giúp cho việc lưu giữ được lâu dài. Dẫu nội dung và tên gọi của cuốn sách vẫn còn nhiều tranh cãi, bàn luận, nhưng về mặt hình thức và cách thức thể hiện, nó xứng đáng được ghi nhận là tác phẩm độc bản công phu và độc đáo nhất ở thời điểm hiện tại.

Qua 121 bài thơ, tác giả lần giở những lớp lang của cố đô Hoa Lư, soi chiếu qua lăng kính tình yêu và cả niềm tự hào với mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Từng dòng thơ đều thể hiện sự tự hào và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã gây dựng nên bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đất này trong hàng nghìn năm qua. Đó không chỉ là chuyện “tức cảnh sinh tình” khi ông nhiều lần ghé thăm Hoa Lư, mà như ông từng chia sẻ, nó được viết ra như là một sự “gửi gắm” từ cõi linh thiêng, khiến ông viết như “nhập đồng” và nhanh đến khó tin. Đã có nhiều bài viết đánh giá về tác phẩm và đóng góp của GS.VS Hoàng Quang Thuận trong vai trò nhà thơ, nhưng với ông, khi được hỏi, tác giả “Hoa Lư thi tập” cho rằng, đó chỉ là sự đóng góp nhỏ bé cho thế hệ trẻ, nhắc nhớ cho con cháu về lịch sư, biết yêu quê hương và có ý thức dựng xây đất nước. “Với những câu chuyện được kể trong “Hoa Lư thi tập”, hay những bài học lịch sử của cha ông để lại, tôi mong mỏi mỗi người luôn có một “bãi cọc Bạch Đằng”, qua đó hun đúc nên những con người mang tầm vóc như Trần Hưng Đạo”, GS.VS Hoàng Quang Thuận nói.

Nếu vẫn còn duyên…

Trong niềm cảm xúc hân hoan với nhiều lời chia vui và chúc mừng ấy, GS.VS Hoàng Quang Thuận cũng sẵn lòng đón nhận những câu hỏi khó của truyền thông, những thắc mắc xung quanh tên gọi của tác phẩm cũng như việc nó được tôn vinh trang trọng hơn mức bình thường. Điều đó có thể sẽ bị coi là đi theo trào lưu kỷ lục đang rất tràn lan và hình thức như hiện nay? GS.VS Hoàng Quang Thuận không tỏ ra khó chịu trước nhận xét ngược chiều, trái lại, ông đánh giá đây là một câu hỏi rất hay. “Đúng là hiện nay có quá nhiều cách tôn vinh, bình chọn kỷ lục khiến cho danh hiệu này bị giảm đi ý nghĩa và uy tín của nó. Có những kỷ lục mà hôm nay vừa được xác lập thì ngày mai đã có người vượt qua dễ dàng. Nhưng với bộ sử thi này lại mang tính chất khác. Nó được ra đời khá đặc biệt, lại được dung nạp hào khí linh thiêng vào dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, rồi sau đó được trưng bày tại nơi lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử như Hoàng thành… Các tác phẩm sau này có thể vẫn khai thác về đề tài lịch sử của Hoa Lư nhưng sự chế tác đặc biệt và cả “hồn vía” của nó thì sẽ khó có được. Nó có giá trị lâu dài với cho con cháu mai sau chứ không phải chỉ cho hiện tại”, tác giả “Hoa Lư thi tập” nói.

Có mặt tại buổi trao bằng kỷ lục của GS.VS Hoàng Quang Thuận, nhà sử học Lê Văn Lan cũng giúp công chúng hiểu hơn về “Hoa Lư thi tập”. Ông cho rằng, nên hiểu cái tên là những bài thơ trong tác phẩm là viết về lịch sử chứ không nên hiểu như một thuật ngữ “sử thi” theo nghĩa nghiêm chỉnh, với những quy tắc và luật lệ đặt ra từ trước đó. Về 2 chữ “thi tập” cũng vậy, hãy hiểu nó là tập hợp những bài thơ được tác giả đưa vào nhân một sự kiện lịch sử của đất nước. Riêng về khái niệm “độc bản” thì nó đúng là như vậy. Dụng công và được thực hiện bằng những tài năng thư pháp, chế tác trên chất liệu quý… “Tôi hi vọng trong số 121 bài ấy sẽ có một vài bài hay, hay thậm chí, chỉ cần vài câu trong số đó “đứng” được với lịch sử và thời gian thì cũng là đáng quý và đáng trân trọng rồi. Còn đánh giá về toàn bộ tác phẩm thì tôi cho là chưa cần thiết, vì với một tác phẩm lịch sử thì nó cần có độ lùi về khoảng cách, về thời gian và không gian để nhìn ngắm và quan sát. Xem nó có chỗ đứng như thế nào với thời đại và công chúng, như thế mới chính xác và đầy đủ”, nhà sử học Lê Văn Lan nhận định.

Chúng tôi hỏi GS.VS Hoàng Quang Thuận, sau “Thi Vân Yên Tử” (1998), “Ngọa Vân Yên Tử” (2002) và bây giờ là “Hoa Lư thi tập” đã được trao cho Hà Nội, ông sẽ chọn vùng đất nào để thử thách nghệ thuật thơ ca bản thân? Ông bảo: “Tôi đến với thơ ca là ở cái duyên. Sáng tác các tác phẩm về những vùng đất địa linh nhân kiệt ấy cũng lại là một sự hữu duyên. Cuộc đời con người không phải lúc nào cũng có được may mắn lớn lao ấy nên nếu còn được lựa chọn, tôi sẽ vẫn thử sức và chinh phục nó”.

Được biết, sau buổi lễ đón nhận bằng kỷ lục này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long sẽ mở rộng trưng bày, nâng cao và phát huy giá trị của độc bản thế giới “Hoa Lư thi tập” để giới thiệu cuốn sách tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

(Gia đình & Xã hội)

Gửi phản hồi