Miền cảm hứng của Hoàng Quang Thuận

Thi Vân Yên Tử là những dòng cảm xúc bằng thơ, cảnh đẹp Danh Sơn Yên Tử đã cảm ứng tâm hồn nhà khoa học ngoại đạo bỗng chốc trở thành thi sĩ – “Sơn lâm kỳ thú cảnh thần tiên. Vượt chín tầng mây tới cõi thiền”. Thi Vân Yên Tử là một tập thơ có thi pháp nhất định và số câu ngắn. Thiền học trong tập thơ đa phần đề cập đến sự nhiều hơn về lý, nhưng vẫn còn một số bài trí tuệ phải cần có “sự thẩm thấu của tri âm” vì dùng nhiều thuật ngữ Phật học. Nói chung, nó là những dòng chảy tâm linh mà Hoàng Quang Thuận đã theo đó chưng cất cái tinh tuý đẹp đẽ của một Yên Tử tao nhã, văn hiến trong tâm hồn chảy đọng, thành thơ.
Hoàng Quang Thuận đã cảm nghiệm được cái thời điểm toả sáng của thiên nhiên nên nguồn thơ cứ tuôn trào, tuôn trào… Và khi đọc lên những vần thơ ấy, người ta cứ tưởng chừng như lẩn khuất đằng sau những chùa chiền – núi – đồi – cỏ – cây – hoa – lá,… đã và đang có sự hiện diện vô hình của hai cảnh giới: một của khuất mặt quá khứ, một của hiện diện hoài niệm giữa thực tại.

Yên Tử

Yên Tử

Trong dòng chảy lưu hoàng rất mực thâm trầm của miên tưởng, từ cõi “Vô vi cõi Phật giữa rừng xanh” chúng ta sẽ được nghe “Tiếng mõ kinh chiều giữa hư không”, và nghe “Trăng vờn gió đập cửa chùa thông”… Nghe được vô thanh trong thơ, có nghĩa, vượt lên trên âm thanh để cảm được cái tâm, cái chí người nghệ sĩ. Nghe trong tiếng thơ của Hoàng Quang Thuận chính là thấy được nguồn cảm của anh trước thiên nhiên để ngộ ra lẽ vô thường.

Nếu ai cũng biết điều chỉnh cuộc sống vừa phải cho chính mình, sống trải lòng ra với mọi người thì lẽ nào thế gian này sẽ chẳng tạo nên thanh âm reo vui cho những vần thơ hạnh phúc? Cho nên, thơ là tiếng lòng, có khả năng giúp cho ta cảm nhận được giây phút nội tại của chính mình. Nhiều người đọc thơ Hoàng Quang Thuận cho rằng, bài nào của anh cũng ẩn chứa chất thiền. Nhưng thật ra, thiền vốn không thể nói, vì nó vượt thoát khỏi sự diễn đạt của ngôn từ; nó là một trạng thái, một cảm giác của người thực hành, và trạng thái thăng hoa đó đến với người nghệ sĩ ở những giây phút mà người ta không hề ý thức. Điều tôi cảm nhận nơi thơ anh là thiên nhiên mang pháp thân của Phật. Vì vậy, thiên nhiên chính là miền cảm hứng của anh mà khi đọc thơ anh, người ta có thể nhận ra mối tương quan giữa mình với toàn thể, người ta thấy rằng họ với toàn thể là một. Người ta nhận ra thực tại cuộc sống.

Thi Vân Yên Tử – Bằng tâm hồn nhạy cảm, tứ thơ hiền hoà, thanh thoát. Nó là tiếng nói của cảnh giới xuất thế biểu hiện sự sâu lắng: nơi đây giáp mặt cả bốn bề tâm sự: lắng nghe, tỏ bày, đốn ngộ… gợi tôi nhớ đến “Rừng cây đại định bao giờ, Lá còn phiêu lãng tung thơ bạt ngàn” cảnh giới của Thiền Sư Minh Đức. Và khi trong cuộc sống là không cùng, xin mượn lời Đức Phật để kết thúc bài viết: chỉ có một tác phẩm mà cái phải làm là tác phẩm tâm hồn. Còn các tác phẩm khác chỉ là phần trợ lực… Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận chính là tác phẩm của tâm hồn.

ĐĂNG LAN

Thi vân Yên Tử
Tập thơ
Thi Vân Yên Tử của nhà thơ Hoàng Quang Thuận là tập thơ thiền gồm 143 bài về Yên Tử được viết một cách hệ thống và phong phú mang nhiều hàm ý sâu xa nhưng lại được thể hiện qua những vần thơ thanh cao, huyền diệu, xa vắng, tĩnh lặng đồng thời lại gần gũi với đời thường. Tập thơ vẽ ra cho độc giả những phong cảnh tuyệt mỹ của núi mây Yên Tử đồng thời soi rọi lại những chặng đường vua Trần Nhân Tông đã đi qua để xây dựng nên Trung tâm Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam. Ngoài ra, độc giả còn được tiếp cận thiền học một cách tự nhiên, dễ dàng và sâu sắc.