“Quảng Bình ơi! Nước Kiến Giang không bao giờ cạn; Sóng vẫn reo Nhật Lệ, Bảo Ninh vang câu hò mẹ Suốt; Bến sông Gianh còn đó, thành Đồng Hới còn đây; Một thời đã qua, một thời còn lại; Trên quê hương lừng lẫy chiến công những tháng năm đi vào nỗi nhớ…” lời ca ấy đã đi vào trong tiềm thức của mỗi người về vùng đất và con người xứ Quảng – mảnh đất gánh chịu sự tàn phá khủng khiếp nhất bởi khói bom, lửa đạn nhưng con người nơi đây vẫn kiên cường, chịu thương chịu khó. Bởi thế mà dù đã thành công trong vai trò một Nhà khoa học, Nhà quản lý nhưng trong con người GS.VS Hoàng Quang Thuận vẫn giữ nguyên vẻ giản dị, mộc mạc, gần gũi vốn có của người con xứ Quảng. Với niềm đam mê nghiên cứu và khát khao cống hiến xây dựng quê hương đất nước, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền khoa học nước nhà.
Từ miền đất tinh hoa hội tụ…
Như con tằm cần mẫn nhả tơ, giờ đây dù đã ở cái tuổi đã ngoại lục tuần nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên tấm lòng nhiệt huyết, tinh thần sẵn sàng cống hiến hết mình cho khoa học. Đó chính là những “gầu nước mát” giúp cho cây hạnh phúc mãi xanh tươi, đơm hoa kết trái và mang lại hoa thơm quả ngọt cho đời. GS.VS Hoàng Quang Thuận hiện đang là Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông xuất sắc được bầu vào Hội đồng Giáo sư Đại học Kỷ lục Thế giới (WRU), đồng thời là Nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận bằng Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo Thế giới (WCSA) và là người sở hữu nhiều Kỷ lục Thế giới về giá trị nội dung trong thơ do Đại học Kỷ lục Thế giới xác lập. Và trong bài viết này, tôi xin được khắc họa đôi chút về Nhà khoa học vẹn toàn ấy như là một sự tri ân nhỏ với những đóng góp nơi ông.
Trong cái thời tiết se lạnh của buổi chiều đông, tôi như cảm thấy ấm lòng trước sự đón tiếp nồng hậu của ông. Nụ cười trầm ấm, lối nói chuyện giản dị, nhâm nhi tách trà nóng trên tay, ông hồi tưởng về quá khứ của một thời niên thiếu cắp sách tới trường. GS.VS Hoàng Quang Thuận sinh ngày 5 tháng 5 năm 1953 tại quê hương Quảng Bình – miền đất của gió Lào, cát trắng, nơi địa đầu tuyến lửa Bình – Trị – Thiên. Ông xuất thân từ dòng họ Hoàng có truyền thống văn hiến lâu đời. Mộc bản triều Nguyễn khắc ghi về dòng họ này là “nhiều đời liên tiếp đăng khoa”. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang sôi sục kháng chiến, trải qua những năm tháng gian khổ với cái đói cái nghèo, trong tâm trí ông đã sớm ý thức được việc học và quyết theo đuổi nghiệp con chữ để góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Và hơn thế, học để đưa những trang sách đến gần hơn với thực tiễn.
… đến Nhà khoa học đa lĩnh vực
Trong một lần tự bạch về tuổi thơ của mình, ông cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất yêu thích và say mê môn vật lý. Tôi luôn tự đặt những câu hỏi: Hiện tượng năng lượng phát quang là gì? Ánh sáng đom đóm có từ đâu? Thực chất năng lượng điện sinh học trong cơ thể con người là gì?…” Và chính những “tò mò” ấy đã giúp ông theo đuổi và nghiên cứu sâu hơn về môn học này. Hẳn là những người có chung sở thích về lĩnh vực này đều biết rằng: Vật lý vô cùng đặc sắc, nó gắn liền với thực tế, và mỗi khi học xong lại nhìn thấy xung quanh những phần lý thuyết mà mình được học đã ứng dụng thành những sản phẩm hữu ích. Đặc biệt, bộ môn khoa học này cần nhiều sự tìm tòi, khám phá và tư duy. Ông nhớ lại kỷ niệm thuở thiếu thời: “Sau những buổi học, tôi tìm nhặt những viên pin đã hết điện, gom lại rồi cho và tro bếp ủ nóng, dùng các dây điện nối với bóng đèn làm bóng đèn lóe sáng. Những ánh sáng đầu tiên bắt nguồn từ dòng điện của những viên pin đã hết điện làm cho tôi thích thú”.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chứng kiến cảnh quê hương đất nước bị quân giặc giày xéo, với nhiệt huyết tuổi trẻ và trách nhiệm của một công dân, ông đã tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Tuy nhiên, niềm khát khao đến với tri thức trong người con xứ Quảng vẫn chưa bao giờ vơi đi. Ở chiến trường, là một người lính thông tin liên lạc ông nhặt những mảnh vỡ cây nhiệt đới của Mỹ, nhặt các linh kiện điện tử tranzito tụ điện – điện trở thay thế, sửa chữa các thiết bị thông tin liên lạc và lắp ráp thành những chiếc radio để nghe tin tức chiến cuộc. Sau những năm tháng chiến đấu ác liệt, sức khỏe của ông bị giảm sút do sức ép bom B52 buộc ông phải rời xa mặt trận trở về hậu tuyến, nhưng ông tự nhủ lòng mình: “Nửa sức khỏe tiêu tan/thì cống hiến giang san bằng trí tuệ”. Người lính trẻ Hoàng Quang Thuận bước vào cánh cửa trường đại học và lựa chọn theo đuổi Khoa Vật lý. Những năm tháng miệt mài ở giảng đường dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của những người thầy tận tâm, có trình độ chuyên môn cao, bản thân ông tự nhủ phải luôn nỗ lực hết mình để không phụ sự kỳ vọng và công lao dạy dỗ của các thầy. Tốt nghiệp đại học, ông được Nhà nước phân công công tác nghiên cứu và giảng dạy tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ).
Song song với công tác giảng dạy, ông vẫn luôn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề, thầy giáo trẻ Hoàng Quang Thuận đã đánh dấu bước “chuyển mình” đầu tiên, đó là năm 1978 ông đã tìm tòi và nghiên cứu sáng chế thiết bị Định hướng miền QT2 (Quang Thuận thế hệ 2), thiết bị dùng để định hướng các miền cực của các tổ chức tế bào, với vai trò ứng dụng công nghệ điện tử trong y học nên sau khi thử nghiệm thành công, thiết bị đã được đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 268 – Quân khu 4 mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành y học nước nhà. Với công trình đầu tay này, ông vinh dự được nhận Giải thưởng cao nhất của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) và được Nhà nước cấp bằng sáng chế.
Từ năm 1979, công trình nghiên cứu của ông được ứng dụng ở nhiều tỉnh miền trung như: Bệnh viện Quân Khu IV, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng,… rồi mở rộng ra cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Y học Dân tộc Việt Nam, Bệnh viện 115…Tiếp đó, ông hợp tác với Tập đoàn Laser Hoa Kỳ nghiên cứu sâu hơn và hoạt động có hiệu quả, các nhà khoa học quốc tế đã tìm ra được những vấn đề rất thiết thực của đề tài này và từ đó thiết bị được đưa vào ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Đây không chỉ là một thành công lớn của riêng ông mà còn là niềm tự hào to lớn của khoa học nước nhà.
Sau thời gian nghiên cứu, ông thấy rằng các miền điện cực của cơ thể bị bệnh thay đổi trở lại trạng thái bình thường sau khi ứng dụng thiết bị chữa bệnh điện tử QT2. Điện sinh học được các nhà khoa học trên thế giới tìm ra từ năm 1867 và đến năm 1903, Waller và Einthoven đã tìm ra dòng điện tim, từ đó đến nay các nhà khoa học đã phát minh ra rất nhiều thiết bị dùng trong y học có kết quả tốt như Điện tim, Điện não đồ… Chính vì vậy, ông miệt mài trong phòng thí nghiệm quyết tâm nghiên cứu thiết lập sơ đồ định hướng miền cực tế bào trên cơ thể sống giúp cho sức khỏe của con người được cải thiện. Năm 1986, với công trình khoa học này, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài: “Dòng điện hiệu ứng sinh học trên cơ thể sống” khi vừa tròn 32 tuổi.
Sau đó, ông tiếp tục triển khai các nghiên cứu về thiết lập sơ đồ các vùng điện cực sinh học trên cơ thể con người. Năm 1987, ông hợp tác trao đổi khoa học với Viện Liên hợp Nghiên cứu Vũ trụ Đúpna (nước Nga, Liên Xô cũ) về thiết bị hiệu ứng laze sinh học. Viện Đúpna gồm có 11 thành viên của các nước XHCN trong đó có Việt Nam. Đây là một thành phố khoa học nghiên cứu về hạt nhân nguyên tử và các vấn đề khoa học của vũ trụ hiện đại nhất Châu Âu. Thành phố Đúpna xinh đẹp, hiền hòa và đậm chất thơ nằm trên bờ sông Vôn ga, cách Thủ đô Mátxcơva khoảng 120 km về phía Bắc. Mùa thu, những hàng bạch dương cao ráo, dường như thẳng tắp, vô tận, tự nhuộm màu vàng màu đỏ cho từng nhành lá và rải khắp lối đi. Hàng thông xanh vươn tới trời và reo vang lên trường ca bất tận suốt cả mùa đông. Rồi tuyết tan, những chồi biếc lấp lánh cùng hoa Xiren tím nở ngào ngạt hương thơm. Cũng chính nơi đây đã đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà khoa học lớn trên Thế giới cũng như của Việt Nam và GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là một trong số những người đã trưởng thành từ thành phố mùa xuân này. Mỗi chuyến đi trở về, bằng tâm huyết của mình, ông trình bày những kiến thức và nhận thức mới cho các đồng nghiệp trong nước để cùng nhau mở rộng kiến thức. Mỗi chuyến đi với ông như một sự thúc đẩy, gợi mở cho những ý tưởng khoa học mới.
Tiếp đó, ngày 22/01/1997, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã ký hợp tác khoa học với GS. Nguyễn Tài Thu (Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền) với mong muốn đưa những ứng dụng khoa học vào thực hành và sử dụng tại Viện Y học Dân tộc Việt Nam. Thiết bị HT – 2LD thuộc đề tài “Hiệu ứng dòng điện sinh học trong cơ thể con người phục vụ cho y học” của ông được tiếp tục hợp tác nghiên cứu và phát triển với các nhà khoa học Hoa Kỳ. Năm 2008 ông vinh dự được phong Giáo sư tại Hoa Kỳ. Sự nghiệp khoa học của ông trải qua không ít những lần “chuyển mình”, mỗi lần “chuyển” là một lần bứt phát của bản thân, và trong tận đáy lòng, ông luôn biết ơn những người thầy đó là GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS.TS Lê Xuân Tú… đã đưa ông đến những chân trời khoa học của nhân loại giúp cho ông có được các thành tựu khoa học đóng góp cho đất nước sau này. Ông coi sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình như một món quà tri ân với Đất mẹ quê hương.
Đam mê tìm tòi, học hỏi và đã rất thành công trong sự nghiệp, năm 2009 ông được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn Thông, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngày 22/11/2014, ông tiếp tục được bầu vào Hội đồng Giáo Sư Đại Học Kỷ lục thế giới (WRU); Ngày 02/12/2014, được bầu là Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo Thế giới (WCSA). Đối với ông, bí quyết thành công của một nhà quản lý không nằm ngoài hai chữ: Tâm và Tài. Trải qua gần nửa thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, dù ở bất cứ cương vị công tác nào – vai trò nhà giáo, nhà khoa học hay nhà quản lý – GS.VS Hoàng Quang Thuận cũng luôn “cháy” hết mình vì sự nghiệp chung. Vì vậy mà không khó khăn nào làm ông nản lòng, không thử thách nào làm ông nhụt chí. Những đóng góp của ông trong suốt thời gian qua thật đáng trân trọng. Kinh nghiệm quản lý, kết quả nghiên cứu khoa học và những đóng góp của ông không còn là của riêng ông, mà là giá trị chung của cả khoa học nước nhà, vì sự lan tỏa, tính thiết thực và ý nghĩa sâu sắc mà các công trình có được.
Nhà khoa học bắc cầu cho thơ Việt vươn tầm Thế giới
Giới khoa học thường nói vui rằng “thi ca góp phần nuôi lớn tâm hồn khoa học” và GS.VS Hoàng Quang Thuận đã “bén duyên” với thi ca như một nguồn cảm hứng bất tận. Ông không chỉ dung nạp mà còn nuôi dưỡng đồng thời cả hai niềm đam mê ấy để cùng gặt hái những thành công. Người ta thường nhớ tới ông như một nhịp cầu, nối thi ca Việt Nam với nền văn học thế giới đương đại và nhắc đến ông như một người “thổi hồn” cho thơ Việt vươn xa. Đến với thơ như là duyên kỳ ngộ, giữa vườn thơ ông như một du tăng khất thực giữa mùa xuân cuộc đời để mang đến cho đời những áng thơ giàu ý nghĩa nhân văn. Hiện nay, ông là tác giả của 3 tập thơ lớn: Thi Vân Yên Tử (1997); Ngọa Vân Yên Tử (2002); Hoa Lư Thi Tập (2010). Sau đó, năm 2010, ông cho gộp 2 tập Thi Vân Yên Tử và Ngọa Vân Yên Tử thành một tập gồm 143 bài thơ lấy tên chung là Thi Vân Yên Tử. Điều đặc biệt là trước đó, ông chưa hề nghĩ đến việc gắn bó với thi ca và duyên nghiệp thi ca bắt đầu từ khi ông đến thăm non thiêng Yên Tử. Cũng theo ông chia sẻ, cả ba tập thơ của ông đều được viết trong thời gian rất ngắn và cũng chính là lúc cảm xúc của ông đang thăng hoa. Đến nay, tất cả những tác phẩm của ông được in và tái bản nhiều lần bằng 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp nhưng chủ yếu thơ ông chỉ dành để tặng cho khách hành hương tới chốn non thiêng này. Trong tất cả những bản dịch, thì Thi Vân Yên Tử bản tiếng Pháp của dịch giả Hoàng Hữu Đản dịch sát nghĩa, ngoài ra còn bản tiếng Anh của 2 đồng dịch giả tiếng Anh là Giáo sư người Mỹ David (người từng dịch rất nhiều thơ haiku Nhật Bản) và dịch giả Thái Bá Tân. Sau đó, GS David đã xin phép đưa Thi Vân Yên Tử vào giảng dạy tại trường Xavier University of Louisiana ở Mỹ. Ông ấy tin rằng, bạn đọc thế giới sẽ phần nào hiểu được ý nghĩa của tập thơ.
Năm 2008, trường Đại học Quảng Bình tổ chức Hội thảo với hơn 100 bài tham luận, trường đã chọn ra 21 tham luận đưa vào kỷ yếu “Hội thảo Thi Vân Yên Tử với Hoàng Quang Thuận”.
Năm 2010, vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tập thơ Hoa Lư Thi Tập được nghệ sĩ thư pháp Trần Quốc Ẩn, nhiếp ảnh Phạm Tú và tác giả làm thành công cuốn sách độc bản Hoa Lư Thi Tập. Cuốn sách nặng 54kg, kích thước 109 x 70 x 10 và dày 270 trang, bìa bằng gỗ gõ đỏ. Cuốn sách đã đạt kỷ lục Việt Nam, hiện cuốn sách được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và trưng bày bằng nhiều thứ tiếng giới thiệu rộng rãi đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Năm 2011, cuốn sách Độc bản Thi Vân Yên Tử được viết bằng thư pháp và minh họa ảnh do các nghệ sĩ trên cùng tác giả thực hiện. Cuốn sách nặng 120kg, kích thước 125 x 80 x 16, dày 300 trang, bìa bằng gỗ gụ, ở giữa có hình Chùa Đồng. Năm 2012, cuốn sách Độc bản này được xác lập kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Châu Á, được trao tặng cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Cũng vào năm này, Tạp chí Nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” với 21 tham luận của các nhà phê bình văn học. Ngày 22/9/2013, cuốn sách Thi Vân Yên Tử đã được Đại học Kỷ lục Thế Giới WRU xác lập tôn vinh giá trị kỷ lục “Cuốn sách là một tài sản quốc gia lưu trữ các giá trị đích thực và danh thắng tuyệt vời của Yên Tử, giúp lưu giữ các hình ảnh quan trọng và các giá trị văn hóa tinh thần cho thế hệ sau”.
Ngài Thomas Richard William Bain – Phó Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới đánh giá: “Vinh danh cho tập thơ Thi Vân Yên Tử của GS.VS Hoàng Quang Thuận, Đại học Kỷ lục Thế giới tin rằng cũng đã vinh danh cho tất cả những người Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và sáng tạo một nền nghệ thuật mạnh mẽ nhưng vẫn bám rễ trên mảnh đất cổ xưa của mình”. Còn Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước nhận xét: “Ông có vài trăm bài thơ, bài nào đọc cũng đều có tư tưởng phản ánh đúng cái cốt cách, phản ánh đúng cái tâm linh và phản ánh được mây gió ngàn gắn với các vị trí, điển tích của Yên Tử… đây là điều kỳ lạ”.
Và cũng với cuốn sách này, GS.VS Hoàng Quang Thuận – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Kỷ lục Việt Nam, Kỷ lục gia Châu Á là người Việt Nam đầu tiên sở hữu kỷ lục về giá trị nội dung, kỷ lục thế giới.
Đặc biệt hơn cả, vào ngày 5/5/2016 tại di tích Hoàng Thành Thăng Long, UBND TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi lễ đón nhận Bằng xác lập kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings trao tặng cho cuốn sách sử thi Hoa Lư Thi Tập của GS.VS Hoàng Quang Thuận. Đây là một áng thơ kinh điển, không chỉ về chiều dài lịch sử, chiều sâu nội dung mà còn bao hàm tất cả những tinh hoa, trí tuệ, tình cảm, trái tim của tác giả.
Bằng chiều sâu của lí trí, sự mẫn tiệp của tư duy và một tinh thần phá chấp triệt để, con người ấy đã không ngừng suy ngẫm để giác ngộ chân lí, đạt đến cảnh giới cao nhất của trí tuệ Thiền tông. Cái hay trong thơ Hoàng Quang Thuận không chỉ ở bề nổi mà chủ yếu ở chiều sâu: Giàu tính triết lý, đậm chất thiền, gần gũi với cảm thức văn hóa tâm linh, nhưng vẫn không xa rời thực tế. Thế giới hình tượng trong thơ ông là thế giới của vũ trụ, núi non, mây trời, trăng nước, thiên nhiên Yên Tử. Không gian nghệ thuật bàng bạc không khí màu thiền với những danh thắng nổi tiếng: miếu Nhỏ, chùa Trình, chùa Cầm Thực, chùa Lân, Am xưa, chùa Đồng, hồ Yên Tử… nghi ngút khói hương huyền ảo, mây trời của chốn linh thiêng cao rộng. Tiếng chuông chùa Hoa Yên văng vẳng như tự ngàn xưa vọng lại giục giã gọi mời. Hòa lẫn tiếng chim gù líu lo với hương trời là tiếng mõ, tiếng kinh. Đó là những âm vang rất động mà vô cùng tĩnh lặng bởi nó đưa con người trút bỏ bụi trần cho tâm hồn trong veo hướng thiện, được hòa mình vào vũ trụ sắc sắc, không không:
“Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng rằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”
Đọc thơ, ta thấy cảm hứng thơ thật phong phú, đó là nguồn sống vô tận của vũ trụ càn khôn, nhưng nguồn sáng tạo không tách rời đời thường mà được đặt trên chiều kích nhân tính sâu sắc, nó cho chúng ta bắt gặp vẻ đẹp tâm hồn thi nhân. Hay, trong bài Đường Rừng, đẹp biết bao hình ảnh:
“Cổ thụ vươn cao xòe tán rộng
Rừng già nắng lọt đốm hoa rơi
Dây leo chằng chịt vắt cành lá
Chim rừng líu lót với hương trời”
Đường lên Yên Tử bạt ngàn cây, những vòm lá đan nhau còn tạo ra các khe hở để nắng rọi qua. Hình ảnh bình thường ấy ta có thể bắt gặp bất kể đâu, chỉ cần ta đứng ở dưới gốc cây dưới trời nắng, thế mà khi vào thơ GS.VS Hoàng Quang Thuận, cái bình thường cũng trở lên lung linh, tươi đẹp “nắng lọt đốm hoa rơi”.
Trong ba tập thơ của ông tuy khác nhau, nhưng đều là sự trải lòng sâu lắng với quá khứ, với các bậc tiền nhân (đặc biệt là tấm lòng kính quý của ông đối với Vua Trần Nhân Tông – Người sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử từ cách đây hơn 700 năm về trước) để qua xúc cảm đó của thơ mà góp phần vun đắp Chân – Thiện – Mỹ cho cuộc đời. Có thể nói, các tác phẩm thơ của GS.VS Hoàng Quang Thuận rất gần gũi nhưng cũng rất cao quý và thoát tục. Thơ ông không đi theo lối mòn, cũng chẳng có niêm luật giống như các thể thơ đương đại, đó là điều đặc biệt làm nên một hồn thơ mang tính cách riêng Hoàng Quang Thuận. Ngôn ngữ trong thơ ông biến hóa khôn lường, nhưng dung dị, thuần khiết, chứa đựng hơi thở của tâm linh thiền định. Hoàng Quang Thuận cảm nhận thơ bằng sự am hiểu lịch sử tường tận, bằng sự chiêm nghiệm và trái tim đa cảm. Dù ông không nhận mình là nhà thơ, thì cả một “công trình” mang cốt cách Hoàng Quang Thuận đi vào văn đàn đương đại là một sự thật, giống như những đóa hoa bất diệt với thời gian.
Tôi không biết viết gì thêm mà chỉ biết cám ơn GS.VS Hoàng Quang Thuận – một người con quê hương đất Việt luôn mang trong mình tình yêu thầm lặng bằng cách ngày đêm viết lên những tập thơ tri ân các bậc tiền nhân, nhân danh lịch sử của đất nước. Nếu không có ông, tôi và có lẽ nhiều người khác không thể hiểu được rằng thơ lịch sử, thơ thiền còn làm say đắm lòng người đến như vậy. Vì thơ của ai đó tặng, ta chỉ đọc một lần rồi có thể quên bẵng mất, còn tập thơ mang dấu ấn lịch sử của GS.VS Hoàng Quang Thuận, ta phải đọc nhiều lần và không khéo, sự thích thú khiến ta đi tìm tư liệu tra cứu để biết rõ hơn. Đó là thành công to lớn nhất mà GS.VS Hoàng Quang Thuận đã làm được.
Chữ “Tâm” sáng mãi giữa dòng thời gian
GS.VS Hoàng Quang Thuận chẳng những là một nhà khoa học, một nhà thơ lớn với những tác phẩm đi vào lịch sử mà ở ông toát lên vẻ đẹp của một chữ “Tâm”. Khi cuộc sống có nhiều đổi thay, người ta thường có thói quen nhìn về phía trước, đôi lúc bỏ quên phía sau biết bao kỷ niệm. Thế nhưng là một người nặng tình nghĩa, GS.VS Hoàng Quang Thuận vẫn luôn tha thiết nghĩ về gia đình, thầy cô, bạn bè và cả miền đất hứa đã nuôi ông trưởng thành. Quê hương biết mấy thương yêu, những ngày tháng lam lũ, kỷ niệm thời học sinh khó quên… tất cả để rồi ông càng nhận ra sâu sắc trong cuộc sống không gì quý hơn sự sống, quý hơn tình người. Dường như những đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta vẫn luôn cuồn cuộn chảy trong trái tim người con yêu nước Hoàng Quang Thuận. Không chỉ hướng về nguồn cội mà nhiều năm qua, bằng tấm lòng và những hành động thiết thực, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như mổ mắt miễn phí cho người nghèo, cứu trợ bà con bị bão lũ thiên tai, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng các thiết bị y tế và hệ thống phần mềm tác nghiệp cho một số tỉnh, bệnh viện, trường học,… Cụ thể, năm 2006 ông tặng 2 phần mềm 3CMS (Content Managemant System-quản trị nội dung và Bizreg – đăng ký cấp phép kinh doanh qua mạng) tổng trị giá khoảng 8 tỷ cho 4 tỉnh Đồng Nai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ; tặng hệ thống phần mềm cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Viện Pasteur TP. HCM; năm 2017, ông đại diện cho Viện Công nghệ Viễn thông trao tặng phần mềm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử cho tỉnh Quảng Bình trị giá 3 tỷ đồng; phối hợp với Công ty ASIA PACIPIC TRADING COPORATION hiệp hội VABAT ủng hộ các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cơn bão số 8 (năm 2006) 54 tấn gạo và 6.000 thùng mỳ ăn liền, tặng các thiết bị y tế giá hơn 100.000 USD cho một số bệnh viện các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước,…; tặng 3000 ca mổ mắt miễn phí trong cả nước, vận động tài trợ hàng trăm ca mổ tim miễn phí, đặt sten mạch vành cứu sống nhiều người nghèo. Không những thế, ông cùng với AHLĐ Lê Văn Kiểm – CT HĐQT Công ty Golf Long Thành và báo CAND tặng 20 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình, vận động ủng hộ đồng bào bão lũ 6 tỷ đồng.
Năm 2008, GS.VS Hoàng Quang Thuận tham gia bán đấu giá bức tranh đá quý “Mùa xuân” với giá 1,5 tỷ trong đêm ca nhạc “Bình yên Cuộc sống” tặng cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng năm 2008, ông cùng với Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước – TBT Báo CAND thực hiện chương trình đêm thơ nhạc “Tiếng lòng và giọt mưa xuân” được 21 tỷ mua 1000 con trâu tặng bà con vùng đồng bào miền núi phía Bắc,…
Đặc biệt, năm 2015, được sự ủng hộ của ông Phạm Nhật Vũ – TGĐ Công ty Truyền hình An Viên (AVG) ông đã xây dựng 2 cây cầu vượt lũ tải trọng 30 tấn bê tông cốt thép cho 2 xã Đức Hóa và xã Phong Hòa của huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình; năm 2016 ông đứng ra ủng hộ cho Trung tâm Nhân đạo Quê hương tỉnh Bình Dương 800 triệu đồng… Dù đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng xã hội, nhưng từ trong suy nghĩ của mình, ông không mong được nhận những lời cảm ơn, sự khen tặng, điều duy nhất mà ông mong muốn đó là được nhìn thấy niềm vui và nụ cười nở trên môi của những mảnh đời bất hạnh đó. Với những việc làm cao cả của mình, ông đã được Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bình Phước, Hậu Giang,… tặng bằng khen đã có thành tích trong phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh.
Đặc biệt, vinh dự vào tối 17/6/2017, ông là thành viên Hiệp hội Kỷ lục Thế giới thay mặt cho Hiệp hội Kỷ lục Thế giới cùng với Phó Tổng thư ký Liên minh Kỷ lục Thế giới – bà Jyoti Yats trao xác lập kỷ lục Thế giới Hang Sơn Đoòng “là hang động tự nhiên đẹp nhất Thế giới” và “hang động lớn nhất Thế giới” đến ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Đây là chương trình có đại diện các Ban bộ ngành Trung ương như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình, Bí thư – Tỉnh trưởng Khăm Muộn, nước Cộng Hòa Dân chủ nhân dân Lào cùng đại diện lãnh đạo các chính quyền, các sở, ban ngành tỉnh Quảng Bình và các tỉnh bạn trên cả nước.
Bốn mươi năm gắn bó thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình
Cuộc sống của mỗi người có giá trị hay không phụ thuộc vào cách sống, cách làm việc của họ. Đối với ông, ngoài công việc nghiên cứu khoa học mà ông theo suốt chặng đường đời, còn một điều giản đơn, bình dị nhưng vô cùng ấm áp đó chính là nguồn sức mạnh từ gia đình. Phía sau những thành công trong sự nghiệp của GS.VS Hoàng Quang Thuận là một tổ ấm hạnh phúc. Mấy chục năm “đồng cam cộng khổ” vượt qua những khó khăn, thử thách nhưng tình nghĩa trong ông vẫn vẹn nguyên, sắt son với người bạn đời. Bà là Phan Thị Kim Thanh, bà xuất thân trong một gia đình hoàng tộc và là Hậu duệ đời thứ 6 của Hoàng tử Diên Khánh triều Nguyễn, bà từng là nhà giáo và sau đó chuyển sang công tác tại Viện Công nghệ Viễn thông – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Đối với ông, bà không chỉ là một người vợ mà còn là một người cộng sự luôn cùng ông vượt qua mọi khó khăn. Ông có 3 người con trai, các con ông đều nối nghiệp học hành của gia đình, dòng tộc và hiện nay giữ nhiều vị trí xứng đáng trong xã hội.
Người con cả là GS.TS Hoàng Quang Trung, sinh năm 1978 tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ ngành Hóa dầu tại University Oklahoma năm 2010, hiện anh đang giảng dạy cao học tại University Houston Clear Lake TX Hoa Kỳ, vợ của GS Hoàng Quang Trung cũng tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Oklahoma.
Người con trai thứ hai là GS.TS Hoàng Trung Thành sinh năm 1980 tốt nghiệp Tiến sĩ xuất sắc tại University Claremont Graduate, anh từng giảng dạy cao học tại trường Claremont, hiện nay anh đã trở về Việt Nam và công tác tại Viện Công nghệ Viễn thông – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đóng góp tài năng và công sức của mình cho đất nước, vợ của GS Hoàng Trung Thành cũng là Tiến sĩ Dược.
Người con trai út là Hoàng Kim Thiên sinh năm 1991, đã tốt nghiệp xuất sắc khoa Kinh tế tại trường Đại học Houston TX Hoa Kỳ và đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ.
Giờ đây, niềm hạnh phúc với ông đã gần như trọn vẹn bên người vợ đảm đang, những người con thành đạt và các cháu nội ngoan ngoãn là thành quả lớn nhất trong cuộc đời GS.VS Hoàng Quang Thuận. Nói về vợ, ông mỉm cười: “Cuối đời, chỉ còn một thứ ở lại, đó là tình yêu”. Với ông, cuộc đời dường như có phần ưu ái. Ở độ tuổi ngoại lục tuần, hàng ngày đến cơ quan làm việc, tối đến quây quần bên bữa cơm gia đình. Hạnh phúc với ông sao thật giản dị!
Tròn nửa thế kỷ cống hiến trong lĩnh vực khoa học, đào tạo và khoa học xã hội nhân văn, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như:
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
– Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
– Bằng khen của Quốc hội Philippines;
– Bằng khen của Thị trưởng thành phố Milpitas, California Hoa Kỳ;
– Bằng Khen của Thị trưởng thành phố Pasay, Philippines;
– Bằng khen của ĐH Y khoa laze Hoa Kỳ;
– Bằng khen của các tỉnh thành trong cả nước,
– Kỷ niệm chương của Bộ Công An,
– Tháng 4/2016, ông vinh dự được Liên hiệp UNESCO Việt Nam trao tặng cúp vàng và bằng khen trong Hội thảo khoa học: “Nhà Quản lý theo tiêu chí đạo đức toàn cầu, Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến” tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô Hà Nội.
– Kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều khen thưởng cao quý khác…
Sức sống và tài năng của ông cho mọi người thấy được ý chí khát khao vươn cao hơn nữa của những mầm cây đang xanh lá, những trái ngon, quả ngọt được chắt chiu từ sự lao động quên mình. Những gì ông đã làm được cho đến hôm nay sẽ còn lưu giữ mãi với thế hệ hiện tại và cả mai sau, bởi đó là những giá trị nhân văn to lớn phục vụ cho xã hội, cộng đồng. Tuy vậy, ông vẫn khiêm nhường và coi đó như những hạt cát góp phần nhỏ nhoi vào dòng chảy chung của quá trình phát triển đất nước. Ông không quên nhắn nhủ tới thế hệ trẻ: “Nên và hãy sống có mục tiêu, có định hướng, kế hoạch và hãy cố gắng thực hiện theo định hướng, kế họach đã đặt ra. Cần trung thực trong mọi công việc, phải đặt cái tâm, cái đức lên hàng đầu”. Thay cho lời kết, xin kính chúc ông sức khỏe, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp văn hóa, khoa học nước nhà.
NHẬT KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA GS.VS HOÀNG QUANG THUẬN TẠI HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH CẤP CAO APEC 2017
(UNESCO Việt Nam)
- NHÀ KHOA HỌC MANG HỒN THƠ – Lữ hành trên trần thế
- Gieo cho cây đời hạnh phúc mãi xanh tươi
- Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận – Nhà khoa học với những công trình “thơ” sống mãi với thời gian
- Giáo sư. Viện sĩ Hoàng Quang Thuận – Nhà khoa học, người thơ với khát khao hiến dâng tất cả bản ngã cho cuộc đời
- Giáo sư. Viện sĩ Hoàng Quang Thuận: Đời khoa học – Nghiệp văn chương một thân “tùng, bách” giữa gió sương