GS.TS Hoàng Quang Thuận và những vần thơ “thiên giáng”
23/08/2012 | 4 Phản hồi

Thi vân Yên Tử được GS.TS Hoàng Quang Thuận viết trong vòng 3 đêm, khoảng thời gian ông lưu lại vùng đất này. Hoa Lư thi tập chỉ viết trong một đêm, việc chép ra được hơn 100 bài thơ cũng đã là điều khó khăn chứ chưa nói gì đến sáng tác, GS.TS Hoàng Quang Thuận mang đến sự ngạc nhiên cho nhiều người chính bởi điều đó. Hãy nghe ông trò chuyện:

GS.TS Hoàng Quang Thuận - Tác giả của Hoa Lư thi tập và Thi vân Yên Tử

GS.TS Hoàng Quang Thuận – Tác giả của Hoa Lư thi tập và Thi vân Yên Tử

Là một nhà khoa học – Viện trưởng viện công nghệ viễn thông, viện khoa học và công nghệ Việt Nam, một thầy thuốc nhưng lại cho ra đời hai tập thơ, lại là thơ thiền, vậy cơ duyên nào đưa ông đến với thơ ca, thưa ông?

– Phải nói rằng, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một nhà thơ, cũng không tự nhận mình là tác giả của hai tập thơ trên, vì tôi viết nó trong trạng thái lâng lâng khó tả, như ai đó đọc lại cho chép chứ không phải của mình, mà đối với một nhà thơ bình thường thì trong một thời gian ngắn như vậy cũng không thể sáng tác ra ngần ấy bài thơ. Đối với Thi vân Yên Tử, tôi chỉ viết trong vòng 3 đêm, khoảng thời gian tôi lưu lại vùng đất này. Hoa Lư thi tập chỉ viết trong một đêm, việc chép ra được hơn 100 bài thơ cũng đã là điều khó khăn rồi chứ chưa nói gì đến sáng tác, dù thi hứng có dạt dào tới đâu cũng không thể làm ra nhiều như thế.

Được biết xoay quanh hai tập thơ của ông có rất nhiều câu chuyện đặc biệt, ông có thể chia sẻ về điều này?

– Trước 1997, tôi chưa bao giờ làm thơ, cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm thơ. Duyên nghiệp với thơ ca đến với tôi lần đầu tiên khi tôi đến với Yên Tử. Trước khi có những dòng thơ về vùng đất thiêng này, tôi chỉ biết đến Yên Tử qua những cảm thức về tâm linh, chưa định hình. Nhưng, khi hành hương về đất Phật Yên Tử, hồn thơ bắt đầu thăng hoa, để từng ngọn cỏ lá cây, từng áng mây và tiếng suối thiêng lập tức đi vào tôi -như một sự bắt buộc, hối thúc bên trong mà ngay cả tôi cũng rất khó lý giải.

Tượng An Kỳ Sinh

Tượng An Kỳ Sinh

Trong chuyến đi đó có nhiều chuyện kỳ lạ đã đến với chúng tôi. Đoàn chúng tôi do ni sư Huệ Giác dẫn đầu từ miền Nam ra thăm Yên Tử dâng hương lễ Phật, khi dừng lại bái lạy ở mộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi nhìn thấy hai cây đại cổ thụ xòe bóng như ôm lấy ngôi mộ cổ, hai hàng tháp cổ uy nghiêm bên cạnh có hai mắt rồng long lanh đáy nước. Còn bức tượng đá An Kỳ Sinh trầm mặc, như chấp nhận sự phơi sương giữa mây ngàn gió núi.

Khoảng 2 giờ chiều hôm ấy, khi cùng đoàn du khách từ chùa Đồng xuống chân núi, đến gần chùa Hoa Yên, cả đoàn gặp một thanh niên dân tộc đang rao bán một ngài hổ chúa có mào đỏ, anh ta bắt được tại gốc đại già cổ thụ 700 năm tuổi, cạnh mắt rồng sau lăng mộ tổ vua Trần. Tôi đã mua ngài hổ chúa, ni sư Huệ Giác đặt tên là Kim Xà rồi phóng sinh. Điều lạ lùng là khi được thả ra, Kim Xà ngẩng cao đầu hơn 1m, ba lần gật đầu chào đoàn du khách rồi trườn vào núi rừng Yên Tử. Ngay đêm đó tôi đã viết những câu thơ đầu tiên về Yên Tử. Tôi cũng không lý giải được tại sao lại như thế. Thơ như mạch nguồn chảy ra từ trong tâm khảm lòng mình. Chỉ trong 3 tối, tại ngôi nhà bên đê sông Hồng – Hà Nội, cứ từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng, tôi đã viết được tổng số 63 bài thơ về Yên Tử.

Còn đối với Hoa Lư thi tập thì thế nào, thưa ông?

Sự ra đời của Hoa Lư thi tập cũng là một cơ duyên tiền định với tôi. Lần đó tôi cùng vợ chồng nhà thơ Dương Kỳ Anh về thăm Tràng An – Bái Đính, khu du lịch tâm linh nổi tiếng, nơi cách đây hơn 1.000 năm, Đinh Bộ Lĩnh đã lập nên triều đại nhà Đinh. Khi con thuyền chở chúng tôi đi qua đền Trình, qua hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu…, bỗng mọi người trên thuyền kêu lên: chim Phượng hoàng! Một con chim tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua rặng cây ven suối, lúc đó trong tôi trào dâng cảm giác rất đặc biệt, như đang chìm đắm vào không khí của hàng ngàn năm trước, trầm mặc, trang nghiêm và thanh tịnh vô cùng. Hôm đó tôi và Kỳ Anh đã có cuộc tâm nguyện trước bàn thờ Phật tổ và cùng ký tên vào các tờ giấy trắng (khổ A4) để ứng nghiệm thơ thiền. Đó là một đêm huyền diệu, kỳ bí. Tôi cùng Kỳ Anh đã thao thức để chờ đợi. Tôi ngồi từ 9 giờ đến 12 giờ đêm, không viết được một bài nào. Bỗng, tôi thấy mát lạnh trong người, như có một luồng gió thổi qua, rồi cứ thế những vần thơ tuôn trào. Tôi viết như một người mộng du. Khi ngẩng lên, đồng hồ treo tường đã chỉ 4 giờ sáng. Nhìn tập giấy trắng đã kín chữ, tôi ngớ ra một lúc, mình đã làm được cả một tập thơ, tôi thầm kêu lên,rồi bỏ bút, lăn ra dường ngủ. Tỉnh dậy đã 5 giờ sáng.

Bìa tập thơ Thi vân Yên Tử

Bìa tập thơ Thi vân Yên Tử

Cũng cần tự bạch một chút, tôi vốn là hậu duệ của một thái y chuyên chữa bệnh cho các vua nhà Nguyễn, vợ tôi cũng là người thuộc hoàng tộc nên mọi chuyện chúng tôi đều đặt cái tâm lên hàng đầu, lúc nào tôi cũng suy nghĩ rằng mình sống thiện tâm, hướng Phật thì Phật sẽ nhìn thấy được tấm lòng của mình, và mình cũng sẽ được thanh thản.

Được biết năm 2010, ông cùng với nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn và tác giả ảnh Phạm Chung Tú đã cho ra đời cuốn độc bản Hoa Lư thi tập được trình bày bằng thư pháp trên chất liệu giấy giả da, nặng 54kg, trao tặng cho UBND TP Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đầu năm 2012, ông lại cùng hai tác giả trên tiếp tục hoàn thành cuốn độc bản Thi vân Yên Tử, ông muốn gửi gắm điều gì khi thực hiện hai cuốn độc bản đồ sộ này?

Là người Việt Nam, tự hào với truyền thống lịch sử dân tộc, bất cứ ai cũng mong muốn mình sẽ làm điều gì đó để tỏ lòng thành tới những thế hệ đi trước, 2 cuốn độc bản này là nén nhang mà tôi cùng gia đình và những người cộng sự muốn kính dâng lên tổ tiên trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long và kỷ niệm 700 năm Yên Tử, cuốn độc bản Thi vân Yên Tử đã được chúng tôi trao tặng cho thiền viện Trúc Lâm (Yên Tử, Quảng Ninh) để trưng bày tại đây. Qua đó, tôi cũng muốn bạn bè trên thế giới biết nhiều hơn đến 2 vùng đất linh thiêng và tuyệt đẹp này của đất nước Việt Nam, về truyền thống anh hùng hào sảng và tấm lòng hướng thiện của người dân Việt bao đời nay.

Xin cảm ơn ông!

T.Bình

Gửi phản hồi