Những thành tựu xuất sắc trong công cuộc đổi mới, phát triển khoa học kỹ thuật đang ngày một khẳng định vị thế, tầm vóc của dân tộc. Trong hành trình vẻ vang ấy, thật tự hào làm sao khi có thể viết lên những trang chân dung đẹp nhất về những con người đã và đang góp sức mình trên từng bước đi của dân tộc. GS.VS Hoàng Quang Thuận – Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là một trong những người con ấy. Ông đồng thời được bầu vào Hội đồng Giáo sư Đại học kỷ lục Thế giới (WRU) và là Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm khoa học Sáng tạo Thế giới (WCSA)…GS.VS Hoàng Quang Thuận là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận bằng Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Sáng tạo Thế giới (WCSA), ông cũng là người Việt Nam đầu tiên tìm ra sơ đồ miền cực tế bào trên cơ thể sống. Đây là vinh dự lớn lao không chỉ đối với riêng ông, mà còn là niềm tự hào to lớn của nền khoa học Việt Nam.
Thành tựu trên chặng đường nghiên cứu khoa học
GS.VS Hoàng Quang Thuận sinh ngày 5 tháng 5 năm 1953 tại Quảng Bình đầy nắng, gió và cát – vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời địa linh nhân kiệt, là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học nên ngay từ nhỏ GS.VS Hoàng Quang Thuận đã rất say mê môn vật lý. Ông nhớ lại: “Sau những buổi học, tôi tìm nhặt những viên pin đã hết điện, gom lại rồi cho và tro bếp ủ nóng, rồi dùng các dây điện nối với bóng đèn làm bóng đèn lóe sáng. Những ánh sáng đầu tiên bắt nguồn từ dòng điện của những viên pin đã hết điện làm cho tôi thích thú”. Ông vốn là người lính trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc làm thông tin liên lạc ông nhặt những mảnh vỡ cây nhiệt đới của Mỹ, tìm các linh kiện điện tử tranzito tụ điện – điện trở dùng làm linh kiện thay thế trong các thiết bị thông tin liên lạc và lắp ráp thành những chiếc radio để nghe tin tức chiến cuộc. Sau chiến tranh, ông trở về giảng đường học đại học. Say mê vật lý là vậy nên theo học đại học ông cũng chọn học khoa vật lý để tiếp tục theo đuổi những đam mê của mình. Tốt nghiệp đại học, ông được phân công công tác tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Với nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề, thầy giáo trẻ Hoàng Quang Thuận luôn hoàn thành tốt trọng trách được giao. Năm 1978, ông đã tìm tòi và nghiên cứu sáng chế thiết bị Định hướng miền QT2 (Quang Thuận thế hệ 2), thiết bị dùng để định hướng các miền cực của các tổ chức tế bào, với vai trò ứng dụng công nghệ điện tử trong y học sau khi thử nghiệm thành công trên động vật, thiết bị đã được đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 268 – Quân khu 4 mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành y học nước nhà.
Với công trình đầu tay này, ông đã được nhận Giải thưởng cao nhất của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) và được Nhà nước cấp bằng sáng chế. Từ năm 1979, công trình nghiên cứu của ông được ứng dụng ở nhiều tỉnh miền Trung như: Bênh viện Quân y 268 – Quân khu 4, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng,… rồi mở rộng ra cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Y học Dân tộc Việt Nam, Bệnh viện 115… Tiếp đó, ông hợp tác với Tập đoàn Y khoa laser Hoa Kỳ nghiên cứu sâu hơn và hoạt động có hiệu quả, các nhà khoa học quốc tế đã tìm ra được những vấn đề rất thiết thực của đề tài này. Thiết bị được đưa vào ứng dụng tại Hoa Kỳ và Philippin.
Tiếp tục triển khai các nghiên cứu về thiết lập sơ đồ các vùng điện cực sinh học trên cơ thể con người. Bằng đề tài khoa học này, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 32 tuổi. Năm 1986, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Lê nin cao quý; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam đã đưa ông đến Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân nguyên tử và Viễn thám Vũ trụ Đúpna (nước Nga, Liên Xô Cũ) để ông được học tập và hợp tác trao đổi khoa học với Viện Liên hợp Nghiên cứu Vũ trụ Đúpna về thiết bị hiệu ứng laze sinh học. Viện Đúpna gồm có 11 thành viên của các nước XHCN trong đó có Việt Nam. Đây là một thành phố khoa học nghiên cứu về hạt nhân nguyên tử vật lý và các vấn đề khoa học của vũ trụ hiện đại nhất Châu Âu. Thành phố nhỏ Đúpna xinh đẹp, hiền hòa và đậm chất thơ nằm trên bờ sông Vôn-ga, cách Thủ đô Mátxcơva khoảng 120 km về phía Bắc. Năm 1981, nhà bác học thiên tài Đan Mạch Ninx Bo – người sáng lập các quỹ đạo chuyển động các mức năng lượng nguyên tử “Mẫu nguyên tử Bo” đã đến thăm và làm việc tại Viện Đúpna. Nơi đó đã đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà khoa học lớn của Thế giới, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và một số nhà khoa học khác của Việt Nam đã trưởng thành từ thành phố mùa xuân này…
Ngày 22/01/1997, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã ký hợp tác khoa học “Ứng dụng dòng điện hiệu ứng sinh học trong cơ thể con người phục vụ cho y học bằng thiết bị điện tử kỹ thuật số” với GS.BS Nguyễn Tài Thu (Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền Việt Nam) với mong muốn đưa những ứng dụng khoa học vào thực hành và sử dụng tại Viện Y học Dân tộc Việt Nam. Thiết bị HT – 2LD thuộc đề tài “ Hiệu ứng dòng điện sinh học trong cơ thể con người phục vụ cho y học” của ông được tiếp tục hợp tác nghiên cứu và phát triển với các nhà khoa học Hoa Kỳ. Năm 2008, ông vinh dự là Giáo sư tại Hoa Kỳ cho đề tài trên.
“Thơ là tiếng nói đầu tiên của tâm hồn khi chạm tới cuộc sống”
GS.VS Hoàng Quang Thuận là một nhà khoa học có uy tín cả trong và ngoài nước với nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao và được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Thêm một điều mà GS.VS Hoàng Quang Thuận gây ấn tượng với những ai đã từng tiếp xúc với ông là trong ông còn ẩn chứa một tâm hồn thơ ca. Ông cho rằng định nghĩa khoa học thường khô khan và vô cùng vất vả để chứng minh. Còn thơ thì bay bổng và vô định. Hiện nay, ông là tác giả của ba tập thơ lớn: Thi Vân Yên Tử (1997); Ngọa Vân Yên Tử (2002); Hoa Lư Thi Tập (2010).
Hoa Lư thi tập – tập thơ vịnh cảnh cố đô Hoa Lư lấy cảm hứng từ một chuyến hành hương của tác giả tới cố đô Hoa Lư, nơi hơn 1.000 năm trước Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, định đô và xây dựng vương triều phong kiến nhà Đinh. Hoa Lư gắn với chiến tích Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, Lê Hoàn phá Tống, bình Chiêm, giữ gìn nền độc lập đất nước… Tác phẩm văn học nghệ thuật này gồm 121 bài thơ, có thể giúp người đọc hiểu thêm về nền văn hóa truyền thống của Việt Nam qua các triều đại: nhà Đinh, Tiền Lê và nhà Lý, mô tả các địa danh hang động kì ảo, các thung lũng thần tiên nơi địa linh nhân kiệt, nơi ghi lại những trang sử của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, thời kỳ phá Tống, bình Chiêm của nhân dân Đại Cồ Việt. Năm 2010, vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tập thơ Hoa Lư Thi Tập được nghệ sĩ thư pháp Trần Quốc Ẩn, nhiếp ảnh Phạm Tú và tác giả làm thành công cuốn sách độc bản Hoa Lư Thi Tập. Cuốn sách nặng 54kg, kích thước 109 x 70 x10 và dày 270 trang, bìa bằng gỗ gõ đỏ. Cuốn sách đã đạt kỷ lục Việt Nam, hiện cuốn sách được trao tặng và lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Thi Vân Yên Tử của GS.VS Hoàng Quang Thuận là tập thơ thiền gồm 143 bài về Yên Tử được viết một cách hệ thống và phong phú mang nhiều hàm ý sâu xa nhưng lại được thể hiện qua những vần thơ thanh cao, huyền diệu, xa vắng, tĩnh lặng đồng thời lại gần gũi với đời thường. Tập thơ vẽ ra cho độc giả những phong cảnh tuyệt mỹ của núi mây Yên Tử đồng thời soi rọi lại những chặng đường vua Trần Nhân Tông đã đi qua để xây dựng nên Trung tâm Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam. Ngoài ra, độc giả còn được tiếp cận thiền học một cách tự nhiên, dễ dàng và sâu sắc. Năm 2008, trường Đại học Quảng Bình tổ chức Hội thảo với hơn 100 bài tham luận, trường đã chọn ra 21 tham luận đưa vào kỷ yếu “Hội thảo Thi Vân Yên Tử với Hoàng Quang Thuận”. Năm 2011, cuốn sách Độc bản Thi Vân Yên Tử được viết bằng thư pháp và minh họa ảnh do các nghệ sĩ trên cùng tác giả thực hiện. Cuốn sách nặng 120kg, kích thước 125 x 80 x 16, dày 300 trang, bìa bằng gỗ gụ, ở giữa có hình Chùa Đồng. Năm 2012, cuốn sách Độc bản này được xác lập kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Châu Á, được trao tặng cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Ngày 22/9/2013, cuốn sách Thi Vân Yên Tử đã được Đại học Kỷ lục Thế Giới WRU xác lập tôn vinh giá trị kỷ lục “Cuốn sách là một tài sản quốc gia lưu trữ các giá trị đích thực và danh thắng tuyệt vời của Yên Tử, giúp lưu giữ các hình ảnh quan trọng và các giá trị văn hóa tinh thần cho thế hệ sau”. Ông Thomas Richard William Bain – Phó Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới đánh giá: “Vinh danh cho tập thơ Thi Vân Yên Tử của GS.VS Hoàng Quang Thuận, Đại học Kỷ lục Thế giới tin rằng cũng đã vinh danh cho tất cả những người Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và sáng tạo một nền nghệ thuật mạnh mẽ nhưng vẫn bám rễ trên mảnh đất cổ xưa của mình”.
Ngọa Vân Yên Tử là một phần riêng biệt của tập “Thi Vân Yên Tử” (gồm 80 bài). Có thể nói, đây là tập thơ viết về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và Phật tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thơ ông là nỗi niềm, là tấm lòng không phải của riêng tác giả mà trái tim nhà thơ phải đập cùng một nhịp đập với trái tim quần chúng và cả cộng đồng. Sáng tác thơ phải kết hợp tình cảm và lí trí thì mới đem đến cho thơ những cảm xúc sâu sắc. Khi nói về truyền thống của dân tộc nếu không bắt đầu từ tận cùng của cảm xúc thì làm sao GS.VS Hoàng Quang Thuận có viết được những câu thơ:
Vua Đinh Tiên Hoàng
Lên ngôi đế hiệu Đinh Tiên Hoàng
Đất nước an hòa cả giang san
Sánh ngang Hoàng đế vua phương Bắc
Chủ quyền dân tộc được an bang
——————
Mở nền triều chính nước non Nam
Có khác chi Đô Hán Tràng An
Trời Nam nhân kiệt còn lưu mãi
Sóng vỗ ngàn năm nước cửa Hàn
Cảm xúc tạo nên hình tượng lí trí hoà vào tình cảm khiến cho hình tượng thơ cổ sự hài hoà của tình cảm và lí trí. Nhà khoa học kiệt suất Lê Quý Đôn đã từng nói: “Thơ khởi phát từ trong lòng người” nghĩa là thơ phải xuất phái từ tâm hồn, từ tình cảm. Nhà thơ tiếp xúc và phản ánh cuộc sống không phải là những chi tiết, bề bộn của hiện thực mà chủ yếu là để bộc lộ tình cảm cùa mình trước cuộc sống. Thơ có tiếng nói riêng, nó như những lời tâm sự làm sống dậy trong lòng ta những kỉ niệm vui buồn của quá khứ xa xôi. Thơ chính là cuộc sống, là sự phản ánh một nhân cách cao đẹp. Cái đẹp của sự sống luôn luôn biến động, vì vậy thơ sinh ra bởi con người nặng tình với cuộc sống. Thơ ông thấm vào lòng người bởi những cảm xúc chân thực và nhiều mối liên tưởng kín đáo, bằng ý tứ sâu xa, sức quyến rũ của tiết tấu và thanh điệu. Tất cả những yếu tố ấy đi vào lòng người, khắc sâu thêm những tình cảm tạo nên ấn tượng khó phai mờ. Có thể nói, các tác phẩm thơ của GS.VS Hoàng Quang Thuận rất gần gũi nhưng cũng rất cao quý và thoát tục. Đúng vậy, khi con người ta đến với thơ thì tâm hồn sẽ được thanh lọc để trong sáng và cao thượng hơn. Trung tướng, Nhà văn Nguyễn Hữu Ước nhận xét: “Ông có vài trăm bài thơ, bài nào đọc cũng đều có tư tưởng phản ánh đúng cái cốt cách, phản ánh đúng cái tâm linh và phản ánh được mây gió ngàn gắn với các vị trí, điển tích của Yên Tử… đây là điều kỳ lạ”. Và cũng với cuốn sách này, GS.VS Hoàng Quang Thuận – thành viên Hội đồng sáng lập Hội kỷ lục gia Việt Nam, Kỷ lục gia Châu Á là người Việt Nam đầu tiên sở hữu kỷ lục về giá trị nội dung, kỷ lục thế giới. Năm 2012, tạp chí Nhà văn, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” với 21 tham luận của các nhà phê bình văn học.
Tháng 4/2016, ông vinh dự được Liên hiệp UNESCO Việt Nam trao tặng cúp vàng và bằng khen trong Hội thảo khoa học: “Nhà Quản lý theo tiêu chí đạo đức toàn cầu, Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến, Đơn vị doanh nghiệp văn hóa theo tiêu chí của UNESCO” tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô Hà Nội. Đặc biệt hơn cả, vào ngày 5/5/2016 tại di tích Hoàng Thành Thăng Long – Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, UBND TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức buổi lễ đón nhận Bằng xác lập kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings trao tặng cho cuốn sách sử thi Hoa Lư Thi Tập của GS Hoàng Quang Thuận. Sau đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã mở rộng trưng bày, giới thiệu cuốn sách bằng nhiều thứ tiếng đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đây là một áng thơ kinh điển, không chỉ về chiều dài lịch sử, chiều sâu nội dung mà còn bao hàm tất cả những tinh hoa, trí tuệ, tình cảm, trái tim của GS Hoàng Quang Thuận. Sáng tác nhiều tập thơ gây tiếng vang lớn và được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài, những tập thơ ấy được ông sáng tác vào những thời điểm mà cảm xúc của ông đang thăng hoa. Ông tâm sự: “Với tôi đó là một sự thăng hoa, tôi hoàn toàn viết trong vô thức, nhiều bài thơ tôi làm trên giấy trắng có chữ ký của Dương Kỳ Anh, và trong thời gian ngắn nếu chỉ chép lại thôi cũng khó, cũng sẽ sai chứ đừng nói là làm… Tập thơ Thi Vân Yên Tử đã được dịch ra nhiều thứ tiếng bởi các nhà nghiên cứu có uy tín, các độc giả cho rằng: bản tiếng pháp của dịch giả Hoàng Hữu Đản dịch sát nghĩa, ngoài ra còn bản tiếng Anh của 2 đồng dịch giả tiếng Anh là Giáo sư người Mỹ David (người từng dịch rất nhiều thơ haiku Nhật Bản) và dịch giả Thái Bá Tân. Sau đó GS David đã xin phép ông đưa Thi Vân Yên Tử và giảng dạy trong trường Đại học của ông ấy ở Mỹ. Ông ấy tin rằng, bạn đọc thế giới sẽ phần nào hiểu được ý nghĩa của tập thơ. Tôi không biết viết gì thêm mà chỉ biết cám ơn GS.VS Hoàng Quang Thuận – một người con quê hương đất Việt luôn mang trong mình một tình yêu thầm lặng bằng cách ngày đêm viết lên những tập thơ tri ân những nhân danh lịch sử của đất nước. Nếu không có ông, tôi và có lẽ nhiều người có chút lãng mạn ướt át, không thể hiểu được rằng thơ lịch sử, thơ thiền còn làm say đắm lòng người hơn cả thơ tình nữa. Vì thơ tình của ai đó tặng, ta chỉ đọc một lần rồi có thể quên bẵng mất, còn tập thơ mang dấu ấn lịch sử của GS.VS Hoàng Quang Thuận, ta phải đọc nhiều lần và không khéo, sự thích thú khiến ta đi tìm tư liệu tra cứu để biết rõ hơn. Đó là thành công to lớn nhất mà GS.VS Hoàng Quang Thuận đã làm được. Thông qua sự quảng bá của nhiều người yêu thơ, yêu văn hóa Việt Nam, thế giới đã biết đến và trân trọng các giá trị tinh thần của người Việt Nam đương đại, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ…tập thơ còn là một kỷ lục cho tấm lòng hướng về truyền thống của tác giả Hoàng Quang Thuận. Ông cho rằng: “Mình phải cống hiến nhiều hơn nữa và có trách nhiệm hơn nữa cho quê hương và đất nước”. Trong lĩnh vực chuyên môn, ông cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế; tiếp tục nghiên cứu về tác động của điện trường đối với con người, nghiên cứu về những căn bệnh khó của thế kỷ. Ông nhắn nhủ đến thế hệ trẻ “ Tôi nghĩ thế hệ trẻ cần học hỏi hơn nữa, đóng góp hơn nữa để xây dựng quê hương đất nước. Cần trung thực trong mọi công việc, phải đặt cái tâm, cái đức lên hàng đầu”.
Thiện niệm là hạt giống, thiện tâm là đóa hoa, thiện hạnh là trái chín ngọt
Nói đến GS.VS Hoàng Quang Thuận, mọi người không chỉ biết đến một nhà khoa học, nhà thơ mà còn biết đến ông – sứ giả của lòng nhân ái thông qua các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa như: năm 2006 tặng 2 phần mềm 3CMS (Content Managemant System – quản trị nội dung và Bizreg – đăng ký cấp phép kinh doanh qua mạng) tổng trị giá khoảng 8 tỷ cho 4 tỉnh Đồng Nai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, tặng hệ thống phần mềm cho bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM; ngày 18/7/2017 GS.VS Hoàng Quang Thuận đại diện cho Viện Công nghệ Viễn thông đã trao tặng phầm mềm trị giá 3 tỷ đồng phục vụ xây dựng chính quyền điện tử cho tỉnh Quảng Bình; phối hợp với công ty ASIA PACIPIC TRADING COPORATION hiệp hội VABAT mổ mắt miễn phí cho 3000 ca trên mọi miền đất nước; ủng hộ các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cơn bão số 8 (năm 2006) 54 tấn gạo và 6.000 thùng mỳ ăn liền, tặng các thiết bị y tế giá hơn 100.000 USD cho một số bệnh viện các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước,…, cùng với AHLĐ Lê Văn Kiểm – CTHĐQT công ty Golf Long Thành và báo CAND tặng 20 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình, vận động ủng hộ đồng bào bão lũ 6 tỷ đồng. Năm 2008 ông bán đấu giá bức tranh đá quý “Mùa xuân” với giá 1,5 tỷ trong đêm ca nhạc “Bình yên Cuộc sống” do Báo Công an Nhân dân tổ chức tặng cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và cũng trong năm 2008 cùng với Trung tướng, Nhà văn, AHLĐ Hữu Ước – TBT Báo CAND thực hiện chương trình thơ nhạc “Tiếng lòng và giọt mưa xuân” được 24 tỷ mua 1000 con trâu tặng bà con vùng đồng bào miền núi phía Bắc,… Năm 2015, GS.VS Hoàng Quang Thuận được sự ủng hộ của ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền hình An Viên tài trợ 2 cây cầu vượt lũ tải trọng 30 tấn bê tông cốt thép cho 2 xã Đức Hóa và xã Sảo Phong. Đây là hai cây cầu trọng yếu của hai xã về mùa mua lũ vì trước kia khi chưa xây dựng các em học sinh không thể đi học được, bà con đi lại khó khăn. Năm 2016, ông ủng hộ cho Trung tâm Nhân đạo Quê hương tỉnh Bình Dương 800 triệu, vận động tài trợ mổ tim từ thiện cho bà con nghèo.
GS.VS Hoàng Quang Thuận luôn đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện với mong muốn thắp sáng niềm tin và hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh trên mọi miền Tổ quốc. Ông tâm niệm: “Trong cuộc sống có lương thiện, đời người mới có thể ngập tràn niềm vui; trong cuộc sống có lương thiện, đời người mới có thể hạnh phúc lâu dài; trong cuộc sống có lương thiện, tâm hồn mới không ngừng thăng hoa. Lương thiện là vàng ròng trong cuộc sống, lương thiện là ánh sáng sinh mạng trân quý nhất trong nhân tính”. Với những việc làm cao cả của mình, ông đã được chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bình Phước, Hậu Giang,… tặng bằng khen đã có thành tích trong phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh. Đặc biệt, vinh dự vào tối 17/6/2017, ông là thành viên Hiệp hội Kỷ lục Thế giới thay mặt cho Hiệp hội Kỷ lục Thế giới cùng với Phó Tổng thư ký Liên minh Kỷ lục Thế giới – bà Jyoti Yats trao xác lập kỷ lục Thế giới Hang Sơn Đoòng “là hang động tự nhiên đẹp nhất Thế giới” và “hang động lớn nhất Thế giới” đến ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch ỦBND tỉnh Quảng Bình. Đây là chương trình có đại diện các Ban bộ ngành Trung ương như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình , Bí thư – Tỉnh trưởng Khăm Muộn, nước Cộng Hòa Dân chủ nhân dân Lào cùng đại diện lãnh đạo các chính quyền, các sở, ban ngành tỉnh Quảng Bình và các tỉnh bạn trên cả nước. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV8, HTV hòa sóng Đài PTTH Quảng Bình và gần 30 Đài PTHT các tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời có sự góp mặt biểu diễn của các nghệ sĩ như: Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Anh Thơ, Trọng Tấn, Bùi Lệ Mận, Đinh Hương, Đức Tuấn, Quang Hào, NSƯT Thùy Linh,…
Người bạn tri kỉ thuở hàn vi – Tiếp bước cho những đam mê
Trên chặng đường nghiên cứu khoa học và thành tựu mà GS.VS Hoàng Quang Thuận đã đạt được ông luôn biết ơn và tri ân những người thầy, người bạn đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho ông nghiên cứu và học tập để ông biết đến những chân trời khoa học của nhân loại.
Gia đình luôn là nơi tiếp thêm động lực
Để có được những thành công như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới người vợ của GS.VS Hoàng Quang Thuận, bà là Phan Thị Kim Thanh xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, bà từng là nhà giáo và sau đó chuyển sang công tác tại Viện Công nghệ Viễn thông – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Bà chính là hậu phương vững chắc luôn động viên, ủng hộ ông trong công việc, chăm lo quán xuyến cho gia đình. Ông có 3 người con trai, các con ông đều nối nghiệp học hành của gia đình, dòng tộc hiện nay đều thành đạt và có địa vị.
Người con cả là GS.TS Hoàng Quang Trung, sinh năm 1978 tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ ngành Hóa dầu tại University Oklahoma năm 2010 hiện đang giảng dạy cao học tại University Houston Clear Lake TX Hoa Kỳ từ năm 2011 cho đến nay, vợ của GS Hoàng Quang Trung cũng tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Hóa dầu tại Đại học Oklahoma Hoa Kỳ;
Con trai thứ 2 là GS.TS Hoàng Trung Thành sinh năm 1980 tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ ngành Tài chính Kinh tế tại University Claremont Graduate California Hoa Kỳ, anh từng giảng dạy cao học tại trường Claremont, hiện nay anh đã trở về Việt Nam và công tác tại Viện Công nghệ Viễn thông – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đóng góp tài năng và công sức của mình cho đất nước, vợ của GS Hoàng Trung Thành cũng tốt nghiệp Tiến sĩ Dược tại Mỹ;
Người con trai út là Hoàng Kim Thiên sinh năm 1991 cũng tốt nghiệp xuất sắc khoa Tài chính Kinh tế tại trường Đại học Houston TX Hoa Kỳ đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ. Các con ông đang nối nghiệp cha và gia đình là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ của dòng tộc, đất nước học tập và noi gương. Nói về gia đình nhỏ của mình ông không giấu được niềm hạnh phúc viên mãn qua nụ cười, ánh mắt; ông cảm thấy bản thân là một người may mắn vì có một người vợ đảm đang vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà, các con đều ngoan ngoãn và thành tài. Đối với ông, đó chính là phần thưởng to lớn mà cuộc đời đã ban tặng.
Tròn nửa thế kỷ cống hiến trong lĩnh vực khoa học, đào tạo và khoa học xã hội nhân văn, GS.VS Hoàng Quang Thuận đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bằng khen của Quốc hội Philippines; Bằng khen của Thị trưởng thành phố Milpitas, California Hoa Kỳ; Bằng Khen của Thị trưởng thành phố Pasay, Philippines; Bằng khen của ĐH Y khoa laze Hoa Kỳ; Bằng khen của các tỉnh thành trong cả nước, Kỷ niệm chương của Bộ Công An, Kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Chia sẻ về những thành công trong bước đường sự nghiệp của mình, GS.VS Hoàng Quang Thuận rất khiêm tốn. Ông luôn chỉ coi đó như những hạt cát góp phần nhỏ nhoi vào dòng chảy chung của quá trình phát triển đất nước. Ông tâm sự: “Tôi là người con được sinh ra và lớn lên trên quê mẹ Việt Nam thân yêu, tôi yêu quê hương tôi, đất nước tôi, tôi tự thấy những đóng góp của mình còn bé nhỏ trước những gì đất mẹ đã dành cho tôi, tự đáy lòng tôi luôn nhớ tới trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quê hương đất nước”. Với tất cả tấm chân tình của mình, mong rằng những lát cắt ý nghĩa trên phần nào sẽ cho các thế hệ sau được biết nhiều hơn về ông, về con người đầy nhiệt huyết ấy, để mỗi người tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý giá trên chặng đường xây dựng Tổ quốc thân yêu.
Những Vần Thơ “Thiền” của GS.VS Hoàng Quang Thuận
Hồ Yên Trung
Xuân sang sương giăng kín mặt hồ
Yên Trung còn nguyên vẻ hoang sơ
Hè về thông đứng dầm trong nước
Dù khách dừng chân dạ ngẩn ngơ
Thu đến hồ thu nước đong đầy
Đồi thông lay động gió ngất ngây
Đông hàn gió lạnh đàn chim trú
Tiếng hạc ngang trời một cánh mây.
(trích trong tập “ Thi Vân Yên Tử”)
Thiền Sư Đạo Viên
Đồi thông am nhỏ dựng Thanh Phong
Tiếng mõ kinh chiều giữa hư không
U tịch chiều xưa niềm hoan lạc
Trăng vờn gió đập cửa chùa thông.
(trích trong tập “ Thi Vân Yên Tử”)
Suối Tắm
Trưa hè oi ả tiếng suối reo
Chim ca lảnh lót giữa lưng đèo
Hoa rừng hương sắc hương theo gió
Đà cá xuôi dòng nước trong veo
Đây chính nơi xưa suối vua Trần
Tìm nơi đất Phật để dừng chân
Bẩy trăm năm đã bao dời đổi
Suối đẹp chùa xưa vẫn sắc xuân.
(trích trong tập “ Thi Vân Yên Tử”)
Đường Vào Hoa Yên
Đường đất Giải Oan vào Hoa Yên
Hành lang rừng mở đến cõi thiền
Hai bên trúc mọc dày san sát
Thấp thoáng xa xa những bóng đền.
Đang trưa không nhìn thấy mặt trời
Mây tụ thành sương từng giọt rơi
Văng vẳng gà rừng chiêm chiếp gọi
Cành cao lay động chú sóc chơi.
(trích trong tập “ Thi Vân Yên Tử”)
(UNESCO Việt Nam)
- NHÀ KHOA HỌC MANG HỒN THƠ – Lữ hành trên trần thế
- Gieo cho cây đời hạnh phúc mãi xanh tươi
- Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận – Nhà khoa học với những công trình “thơ” sống mãi với thời gian
- GS.VS Hoàng Quang Thuận – Vẻ đẹp của một nhân cách, một trí thức tài ba
- Giáo sư. Viện sĩ Hoàng Quang Thuận – Nhà khoa học, người thơ với khát khao hiến dâng tất cả bản ngã cho cuộc đời